dưới đây mình sẽ tổng hợp thêm một số mẹo nhỏ, thủ thuật… cũng khá tiện dụng và hữu ích trong quá trình sử dụng Mac OS. Có thể một số mẹo nhỏ bạn đã biết nhưng cũng có thể chưa, đặc biệt những người mới làm quen với Macintosh. Bên cạnh đó, đọc qua để thấy những cái hay, những cái tiện dụng và mức độ thân thiện, đơn giản với người dùng trên HĐH của Apple này.
1. Thông tin trên Menu Bar
Bạn có thể tìm thấy mọi thông tin về hệ thống trên Menu Bar từ âm thanh, màn hình, ngày, giờ, trạng thái pin… Khi click chuột vào những icon đó, mặc định sẽ hiện ra thông tin cơ bản nhưng nếu muốn hiện ra những thông tin chi tiết và cụ thể hơn, hãy nhấn thêm nút Option khi click chuột trái. Ví dụ với âm thanh, khi nhấn chuột sẽ hiện ra thanh điều khiển âm lượng nhưng giữ thêm phím Option, thông tin về ngõ ra và ngõ vào của hệ thống âm thanh trên Mac OS X sẽ hiện lên cho bạn.
2. Chụp ảnh màn hình
Trong mục Utilities, có một ứng dụng cho phép bạn chụp ảnh màn hình mang tên Grab. Grab giống như Snipping Tool trên Windows 7. Tuy nhiên, còn một cách chụp nhanh hơn đó là nhấn tổ hợp phím Shift + Command + 3 để chụp toàn màn hình; Shift + Command + 4 để chụp một phần màn hình tùy ý hay Shift + Command + 4 + Phím cách để chụp một cửa số ứng dụng. Mặc định file ảnh sau khi chụp sẽ lưu trên desktop với đuôi .png. Bạn cũng có thể thay định dạng file ảnh này, xem thêm tại đây.
3. Chuyển ứng dụng với Exposé
Mac OS X có một tiện ích rất hay là Exposé, cho phép chuyển nhanh giữa các ứng dụng đang chạy. Mặc định khi bấm F3, Exposé sẽ được kích hoạt. Khi đó trên màn hình sẽ xuất hiện tất cả các ứng dụng đang chạy. Tuy nhiên để hiển thị riêng lẻ một ứng dụng nào đó, bạn nhấn phím Tab, mỗi lần nhấn phím Tab thì một ứng dụng dạng thủ nhỏ sẽ hiển thị trên màn hình, bạn chỉ việc click chuột vào đó để hiển thị ứng dụng.
4. Tính năng Stationery Pad
Đây là tính năng mà có lẽ người dùng cơ bản không cần tới. Tính năng này cho phép bạn tạo một bản sao (copy) của một file nào đó (văn bản, ảnh…) mỗi khi nhấp đúp chuột vào nó. Khi thực hiện chỉnh sửa, nội dung file gốc sẽ không bị thay đổi, dù bạn đã chọn lưu (Cmd+S), mọi sự thay đổi sẽ được lưu ở bản sao. Dễ hiểu hơn, Stationery Pad sẽ biến file đó thành bản mẫu (template), bạn chỉ có thể xem chứ không thể thay đổi nội dung của nó (read-only).
Chú ý: Mỗi lần nhấp đúp vào file gốc, một bản sao sẽ được tạo ra. Để kích hoạt Stationery Pad cho file nào đó, chuột trái chọn Get Info (hoặc Cmd+I) và chọn Stationery Pad.
5. Bật tạm thời tính năng phóng to dock (Magnify Dock)
Thanh Dock trên Mac OS cho phép bạn bật/tắt tính năng phóng to mỗi khi rê chuột vào nó. Khi đã tắt tính năng này, bạn vẫn có thể “bắt” Dock phải phóng to mỗi khi rê chuột tới đó, đơn giản chỉ cần giữ thêm hai phím Control + Shift khi rê chuột xuống thanh Dock. Tuy nhiên, với việc làm này, Magnify Dock chỉ hoạt động tạm thời, tức nếu bỏ hai phím đó ra, mọi thứ lại quay về như cũ.
6. Thay đổi màu sắc khi bôi đen
Màu bôi đen của mình giờ đã thành xanh lá
Mặc định khi bôi đen một đoạn văn bản, màu sắc là xanh dương nhưng bạn cũng có thể dễ dàng thay đổi màu khi bôi đen. Vào Preferences, chọn Appearance ngay ở đầu, chọn Highlight Color và chọn màu mà bạn thích. Không riêng gì bôi đen, khi chọn một file nào đó, phần tên của file cũng sẽ có nền màu bạn chọn.
7. Tạo shortcut trên Mac OS
Có thể bạn sẽ gặp khó khăn khi tạo shortcut trên Mac OS vì tìm mãi mà chẳng thấy shortcut ở đâu. Đơn giản bởi shortcut là của Microsoft còn Apple gọi nó là Alias. Để tạo một Alias cho một file hay folder nào đó, chuột phải (hoặc Control+chuột trái) và chọn Make Alias.
8. Phóng to/thu nhỏ khi xem ở chế độ Quick Look
Quick Look cho phép bạn xem trước (preview) một file nào đó. Để Quick Look, bạn chọn file đó và nhấn phím cách (Space), khi đó một cửa sổ xem trước sẽ hiện ra. Để phóng to một file ảnh khi Quick Look, giữ phím Option và click chuột, mỗi lần click chuột thì ảnh đó sẽ phóng to ra. Ngược lại, để thu nhỏ, bạn nhấn Shift + Option và click chuột.
9. Toàn màn hình khi xem ở chế độ Quick Look
Để xem toàn màn hình ở chế độ Quick Look, bạn bấm phím cách và chọn Full Screen. Còn một cách nhanh hơn, giữ Option và ấn phím cách mỗi khi mở file.
10. Mở ứng dụng ở một Space nhất định
Space chia hệ thống làm nhiều màn hình làm việc khác nhau, mặc định sẽ là bốn Spaces. Để ấn định một ứng dụng nào đó mở ở một Space nhất định, ví dụ ấn định Parallels luôn mở ở Space 2, bạn vào Preferences–> Exposé & Spaces–> Spaces, bên dưới có mục Application Assignments, chọn ứng dụng và chọn Space bạn muốn mở.
11. Các phím chức năng
Hàng trên cùng của bàn phím mặc định sẽ là các phím điều khiển trình nghe nhạc, độ sáng màn hình, độ sáng bàn phím… các phím F sẽ là phím phụ, tức bạn phải bấm thêm phím Fn. Để đổi ngược lại, vào Preferences–> Keyboard và chọn Use all F1, F2, etc. keys as standard function keys. Khi này, để giảm độ sáng màn hình bạn phải bấm Fn+F1 thay vì nhấn F1 luôn.
12. Kéo & thả file lên Dock
Để mở một file ảnh với iPhoto, đơn giản bạn chỉ việc kéo file đó và thả vào ứng dụng iPhoto trên Dock, tương tự với file văn bản… Nếu kéo bất cứ file nào vào trình Mail, tức file đó sẽ được đính kèm vào bức thư điện tử đó. Thật tiện dụng!
13. Mang Widget từ Dashboard ra màn hình Desktop
Mặc định widget chỉ xuất hiện khi bạn kích hoạt Dashboard tuy nhiên, với một số thay đổi nhỏ, mọi widget trong Dashboard sẽ được mang ra Desktop một cách dễ dàng. Đầu tiên hãy mở Terminal lên, gõ defaults write com.apple.dashboard devmode YES, nhấn Enter. Sau đó gõ tiếp killall Dock và nhấn Enter. Giờ mở Dashboard (nhấn F4)–>chọn widget muốn kéo ra Desktop–>nhấn và giữ chuột–>nhấn F4 để thoát khỏi Dashboard. Giờ widget đó đã xuất hiện ở Desktop. Để cho nó trở lại Dashboard các bạn làm ngược lại, tức nhấn và giữ chuột, nhấn F4, thả chuột và nhấn F4.
14. Đoán chữ trong TextEdit
Trình TextEdit tương tự như Notepad trên Windows. Để kích hoạt tính năng đoán chữ khi thực hiện soạn thảo với TextEdit, hãy sử dụng phím Esc (Escape). Mỗi khi gõ chữ và nhấn Esc, một loạt gợi ý sẽ xuất hiện. Tất nhiên sẽ không có tiếng Việt, và có vẻ như nó chỉ có thể gợi ý tên người cho bạn mà thôi. Hãy thử nhé!
15. Chèn template vào email
Để chèn một template như thiệp mời sinh nhật, thông báo… vào trong thư điện tử của mình, trình Mail trong Mac OS đã có sẵn một số template rất đẹp cho bạn lựa chọn. Trong cửa sổ soạn thư mới (New Message), bấm vào nút Show Stationary, một loạt template sẽ hiện ra cho bạn.